VNKATONÁK LỊCH SỬ ĐOÀN VK74 - VNKATONÁK

Latest

About

Saturday, October 12, 2019

VNKATONÁK LỊCH SỬ ĐOÀN VK74

ĐOÀN VK74
Theo tư liệu của các anh Vũ Văn Khoa (Đoàn trưởng), Lê Văn Quang (Bí thư chi bộ), Nguyễn Sơn Hải...thì đoàn các anh sang năm 1974 khá đông, gồm nghiên cứu sinh, thực tập sinh, sinh viên. Riêng sinh viên chia thành 2 nhóm, một nhóm 21 người học tại Học viện quân sự Zalka Máté (tên một vị tướng Hungary), một nhóm 8 người học tại Đại học Kỹ thuật Budapest (5 anh học về Kỹ thuật điện tử, 3 anh học về Hóa) và 2 người học tại Đại học Tổng hợp Budapest (1 Toán, 1 Vật lý).
Trước khi sang Hung, nhiều anh đã trải qua chiến đấu, có thành tích. Một số khác đã thi đỗ đại học từ năm 1972, đủ tiêu chuẩn đi nước ngoài, nhưng tình nguyện nhập ngũ để ra mặt trận (thời gian đó đang có chiến dịch Thành cổ Quảng Trị). Tuy nhiên, các cán bộ lãnh đạo trong quân đội đã có quyết định sáng suốt là không đưa các anh ra mặt trận, mà giữ lại, gửi đi đào tạo, "ươm mầm" cho một kế hoạch dài hạn. Lãnh đạo quán triệt, xác định rất rõ ràng: đó cũng là một mặt trận quan trọng, có nhiều khó khăn gian khổ, không dễ vượt qua. 
Năm 1972 là năm đầu tiên thí điểm hình thức học dự bị (ở mức độ tăng cường) trong nước 1 năm, có sự chuẩn bị kỹ càng, rồi mới gửi người sang nước ngoài đào tạo. Tại Đại học quân sự, có quyết đinh thành lập lớp thí điểm “đào tạo đi Tây”, gọi là “Tiểu đội A9” (C173), theo sáng kiến của Hiệu trưởng kiêm Chính ủy Đặng Quốc Bảo và được sự nhất trí của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu. 
Có 3 anh đoàn VK74 thuộc Tiểu đội A9, được tăng cường học tiếng Nga và các môn Toán-Lý-Hóa để sẵn sàng đi đào tạo ở nước ngoài (Liên Xô, Ba Lan, Hung, Bun, Đức, Tiệp…). Tiếng là “Tiểu đội”, song trên thực tế, tổng số lượt người ra ra vào vào cỡ khoảng trên hai chục. Một số vì lý do sức khỏe hay học lực không đạt, bị loại ra.
Cuối cùng, có 18 người đi Liên Xô ngay, học ở Học viện Thông tin U-li-a-nốp-xcơ, số còn lại 5-6 người - do Đại học Quân sự bị trúng bom Mỹ - được đưa về Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng trên Lạng Sơn để rèn luyện (học văn hóa thì ít, lao động thì nhiều), dài cổ chờ kết quả đàm phán với các nước bạn Đông Âu. Mất một năm, các anh mới được ghép vào một đoàn hơn hai chục người sang Hungary, vừa đào tạo sĩ quan chỉ huy kỹ thuật, vừa đào tạo đại học, tổng cộng 30 người. Đoàn này được Đoàn 871 (Cục Cán bộ - TCCT) bố trí tập trung cho học cấp tốc tiếng Hung tại Việt Nam, giáo viên là 2 anh sĩ quan chỉ huy kỹ thuật vừa tốt nghiệp bên Hung về dạy. (Lúc đó, Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân, Hà Nội chưa thành lập Khoa Đông Âu, chưa có giáo viên dạy tiếng Hung, năm sau mới có).
Theo kể lại, hồi các anh học ở Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng (Lạng Sơn), thì có một "trung đội đi Tây" trên đó, ghép nháo nhào nhào những anh “chuẩn bị đi Tây” vào với nhau khá hổ lốn. Có cả anh Ngọc Anh, là nghiên cứu sinh, cũng ở Trung đội này - anh không đi Hung ngay trong năm 1974, mà bị lùi lại đến năm 1976. Cuối năm đó, cấp trên phân công các anh (Toản, Sảng, Vượng, Lập) đi Hung, 3 anh học về Kỹ thuật điện tử, 1 anh học Tổng hợp Toán, còn 2 anh khác đi CHDC Đức học về lái xe tăng và kỹ thuật điện ảnh. 
Nói về bóng đá, đoàn VK74 có anh Hà Minh Sảng được "vinh danh" là Muller (cầu thủ trung phong xuất sắc của đội bóng CHLB Đức). Anh có động tác đỡ bóng trông có vẻ lóng ngóng, nhưng thực ra, anh đang "bận" chỉnh thước ngắm (quay lưng lại cầu môn), đúng lúc các hậu vệ đội bạn đang chủ quan "chờ binh tình xem sao", thì anh quay ngoắt 90 độ và sút kapából (ngay tắp lự) rất nhanh, thủ môn đội bạn không thể kịp phản ứng.
Đoàn VK74 có anh Vũ Văn Khoa sau này là Giám đốc Sở Công nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Khi 2 Sở Công nghiệp và Thương nghiệp sáp nhập lại, anh Khoa là Giám đốc Sở Công thương.
Có thời gian, hai nhóm sinh viên VK74 và VK75 hợp nhất thành một đoàn lớn, vì nhóm VK75 chưa có Chi bộ, chưa có Đảng viên.








No comments:

Post a Comment