Các anh NCS đoàn 74: a Đình, a Thục, a Tú, a Kim, a Kiệt, a Phan |
Cách tổ chức động viên của họ khá khôn
ngoan. Sinh viên chia thành các nhóm 3-5 người. Nhóm nào hái nhiều nhất sẽ nhận
một phần thưởng trị giá 3.000 phô-rinh, một món tiền "sộp". Kiểm tra
kết quả khá nghiêm túc, quả nào giập, hoặc mất cuống bị loại ra ngay. Một thùng
nhặt ra được 15 quả "vớ vẩn" coi như bị loại luôn cả thùng. Quân ta
lao động quần quật cả ngày, không lại được với mấy chú xuất thân paraszt nông
dân chính hiệu. Anh em mình định chơi trò "ba đánh một chẳng chột cũng
què", tức là dồn kết quả lao động của ba, bốn nhóm cho một nhóm, nhưng trò
đó quá cũ, vì bọn Tây nó thực hiện chiêu ấy từ lâu rồi. Vả lại, mình cũng không
hajt (cố gắng), vì có lần bọn Tây níu áo nói thẳng: "Eh, oregeim, kérlek
szépen! Bọn mày đã có lương của quân đội phát cho đủ dùng rồi, hãy thương bọn
tao với. Bọn tao đang phấn đấu vụ này lĩnh thưởng để bù đắp chút đỉnh, đỡ tiền
ăn học của thày u". Thế là quân ta chỉ làm cầm chừng thôi, kẻo ốm thì khốn.
Bữa ăn ở các vùng xa hun hút ấy chả có gì, đạm bạc lắm. Cửa hàng thực phẩm gần
nhất cách độ 7 km, lại phải cuốc bộ, mà ở cửa hàng nhà quê chưa chắc đã mua được
gì. Nhiều tối đói quá phải lấy bánh mì phết mỡ nước, rắc muối lên ăn cho dạ dày
đỡ sôi lên ùng ục.
Nhưng vẫn thừa niềm vui khám phá cuộc sống.
Vườn táo của nông dân trồng khá khoa học,
có hàng có lối hẳn hoi, giữa các luống máy cày đi thoải mái. Cứ 50 cây táo, họ
lại trồng xen một cây lê quả vàng óng, thịt ngọt như đường phèn, có tên là lê
tiến vua (császár korte). Họ giải thích, đến mùa lê táo ra hoa, phấn hoa lê bay
rải rác khắp vườn táo, làm cho táo ở đây có thêm chút ít dư vị của lê, khách
hàng nước ngoài rất ưa chuộng. Ong nuôi ở đây cũng cho loại mật ong đặc biệt
thơm phưng phức. Quân ta hái táo thì ít mà chủ động dành thời gian đi "sưu
tầm" lê. Mặt đang đầm đìa mồ hôi, lấy nguyên cả quả lê xát vào, mát lịm.
Ngày về, ai cũng cố nhét đầy một ba-lô "ngược" Budapest.
Buổi tối đầu tiên, cả bọn bị tống vào một
ngôi nhà xập xệ kê hai chục cái giường tầng cũ kỹ. Mười giờ đêm, TV không có
(ngoài vùng phủ sóng), đèn điện lù mù. Sau khi hát nghêu ngao mấy bài dân ca
(népdal), cả bọn chả biết làm gì cho hết buồn, quyết định đi ngủ. Một đứa con
gái bảo "Lũ con trai, hãy quay mặt vào tường để bọn tao thay quần
áo". Chú nào he hé mắt liếc trộm liền bị nó cầm cái cán chổi quất ngay một
phát vào mông: "Ê, chúng mày ơi, thằng này ti hí mắt lươn!". Một lúc
sau, chúng nó hô: "Xong!", ngoảnh ra, thấy chị em đã rúc đầu hết
trong chăn. Đến lượt bọn con trai cởi bỏ trang phục, chỉ mặc độc quần áo lót đi
ngủ. Sáng ra, dụi hai con mắt năm sáu lần vẫn không thể nào tin nổi: xung quanh
mình, có đến dăm đôi đang nằm với nhau trong chăn cười khúc khích. Cho nó ấm.
Đi hái táo gặp phải cái nạn thiếu nước nóng
để tắm. Sau giờ làm việc, người ngợm bẩn thỉu, ai chả muốn "tẩy trần".
Nông trường cử một bác già đun nước nóng bằng củi, nhưng khốn nỗi, chỉ có mỗi
cái nhà tắm, thành thử, khi đội trưởng tuýt còi toe toe báo hết giờ lao động, bọn
con trai con gái đua nhau chạy về nhà... chiếm buồng tắm. Nếu đứa con gái nó
chiếm được trước thì "thôi rồi, Lượm ơi", chúng nó cứ thi nhau xì xụp
tắm gội vài ba tiếng đồng hồ. Tí nữa, các chú sinh viên chen vai thích cánh,
chú nào tắm muộn bị hết nước nóng, thật khổ thân. Hôm sau, để trả thù, bọn con
trai phân công một chú cẳng dài, bắt lao động cầm chừng thôi, để chờ khi tiếng
còi báo hết giờ nổi lên thì nhanh chóng "chiếm lĩnh trận địa". Hôm ấy,
con trai tắm thỏa thuê, còn bọn con gái cay cú đỏ ngầu mắt đứng ngoài chờ dài cả
cổ. Đến bữa ăn tối, nghe tiếng khóc thút thít "vì chưa tắm được". Chiến
tranh cứ thế diễn ra bốn năm hôm, bất phân thắng bại. Vì bọn con gái cũng tinh
khôn chả kém. Có lần, thằng cẳng dài chạy về đến nơi bị thua, uất quá chạy ngược
trở ra tố cáo bọn con gái dùng thủ đoạn "nấp sẵn trong buồng tắm". Kiểu
này thì chào thua các mợ luôn.
Một hôm, bọn con gái tắm gội rể rà quá, mấy
chú con trai hung hăng tuyên bố: "Nếu chúng mày không ra thì chúng ông sẽ
đạp cửa xông vào, liều mình như chẳng có". Một lúc sau, nghe tiếng rú thất
thanh, và mấy đứa con gái ôm bọc quần áo lao ra như tên bắn, mồm ngoác ra nhiếc
móc "quân lưu manh", "bọn khốn nạn". Thế là bọn con trai đã
tìm ra thêm một võ mới, gọi là "võ tối hậu thư": Hê hê, đến giờ G., nếu
chị em không chịu ra thì chúng ta sẽ phá cửa ngục Ba-xti xung phong vào. Lũ kia
không vừa, chúng nó dùng cái thùng phuy đổ đầy nước sôi chặn cửa, mấy chú
"quân tiên phong" lao vào bị bỏng, sứt đầu mẻ trán. Lại cãi nhau như
mổ bò.
Nhưng trong cái khó ló ra cái khôn. Một lần,
chứng kiến cảnh 'huynh đệ tương tàn" ghê răng quá, một đứa con gái hiền
lành bảo: "Sao chúng mình không tổ chức tắm chung nhỉ? Việc gì phải tranh
nhau!". Cả lũ ớ ra, mất hai phút im như thóc, sau đó tiếng đồng tình mới ồ
lên như ong vỡ tổ: "Phải đấy, phải đấy!", "ừ, đơn giản thế mà
không nghĩ ra".
Ngôi nhà sau gần 50 năm |
Bắt đầu từ hôm ấy, cửa phòng tắm không bị
chốt trong nữa. Đứa nào thẹn, xin mời cứ diện đồ lót, chả ai thèm nhìn. Ai thấy
nóng, cứ tự nhiên cởi cho. Những đứa xấu hổ không khéo còn bị tập thể lớp nghi
là "có vấn đề gì đây mới phải giấu giếm kỹ thế", hay bị đứa khác
khích bác "chắc của nó bé quá?", thế là buộc phải... khoả thân, để chứng
minh "điều không nhất thiết phải chứng minh". Một số chú mắc bệnh
nghiện mượn xà-phòng Fa của bọn con gái. Tắm xong, thấy mặt mũi đứa nào đứa nấy
hớn ha hớn hở như vừa bắt được vàng.
Thực ra, kinh nghiệm sống cho thấy: gặp lửa
rừng đang lan đến gần bạn, bạn phải đốt ngay một đống cỏ xung quanh mình; gặp
mưa lũ trong rừng sâu, phải chạy ngay lên hướng đỉnh núi, cho dù leo dốc mệt nhọc
hơn là cuốc bộ xuống thung lũng; dùng nọc rắn chữa vết rắn cắn, lấy độc trị độc.
Nói hơi triết lý một tí: gặp khó khăn, hãy đương đầu trực diện, nếu biết rằng
không thể trốn tránh nó!
PhanHong
No comments:
Post a Comment