DOANH TRẠI PETŐFI Kỳ 8: Chuyện hè về phép - VNKATONÁK

Latest

About

Monday, December 26, 2005

DOANH TRẠI PETŐFI Kỳ 8: Chuyện hè về phép

Anh em từ Việt nam sang cùng anh em tại Budapest cùng gặp nhau trên tàu thủy.

Học viên quân sự hai năm được về nước học chính trị kết hợp nghỉ phép một lần. Trước ngày về phép, tâm trạng nôn nao khó tả. Công tác chuẩn bị tiến hành kỹ luỡng như mở chiến dịch, mất thậm chí... nửa năm trời. Mua quần áo, vải vóc, len dạ, xe đạp, thuốc men, quà cáp... tốn quá nhiều thời gian. Bên nhà lại viết thư sang dặn dò mua thứ này mua thứ nọ. Đi tàu hỏa nên trọng lượng hàng hóa cố gắng ở mức tối đa có thể: một chiếc đàn (xe đạp tháo rời ra, buộc hai cái bánh, ghép cổ phuốc, ghi-đông, phụ tùng, nhồi nhét trăm thứ bà dằn vào bên trong, sau đó dùng vải khâu lại như cái túi hồ lô, khâu cả quai xách); một va-li "tổng cục" màu nâu nhạt, một túi du lịch…


Các anh lớn tuổi hay có thêm máy khâu Singer. Một thời, siêu thị Skála bán thịt bò hộp Việt Nam (phẩm chất đã xuống cấp?!) rẻ như bèo, anh em mình vào bao giờ cũng khuân ít nhất một xe đẩy, về chịu khó rang lên cho se lại làm ruốc; hay có sáng kiến mua mỡ lợn về rán lấy mỡ nước, đổ vào can nhựa, nhét vào tủ lạnh cho đông cứng, chờ ngày ra ga phía đông (Keleti pályaudvar) lên đường về Việt Nam.

Buổi tối xuất phát ở ga Phía Đông, sáng mai đã có mặt ở ga Csop. Toa tàu bị cẩu cao lên trên không trung, thay bánh sắt khác, vì khổ rộng đường sắt của Hung và Liên Xô khác nhau (làm thế để nếu chiến tranh xảy ra, anh không sử dụng được hệ thống đường sắt của tôi). Những lúc ấy, cửa toa bị khoá chặt.

Trên đường về, cái thời còn đi tàu hỏa, anh em được ghé Mát-xcơ-va dăm ba ngày chờ tàu về Bắc Kinh. Phòng Tùy viên quân sự bên ấy hay bố trí cho anh em ta ở Khách sạn "Bông lúa vàng" (Za-la-tơi Kô-lơ-xơ). Ngay cửa ra vào khách sạn có cái máy đánh giầy, nhét đồng 2 cô-pếch màu vàng vào, bấm nút là máy chạy ro ro. Cạnh đó có hàng thịt cừu nướng (sá-sơ-lức) thơm điếc mũi. Tận dụng những ngày này, quân ta một mặt đi thăm thủ đô của thiên đường chủ nghĩa xã hội, mặt khác nhờ bạn bè, người thân dẫn đi lùng mua hàng hóa. Mát-xcơ-va có các "đặc sản" có thể mang về Hà Nội như: quạt tai voi, bàn là, đài Ri-gôn-đa, máy khâu Trai-ca, nhung hươu Pan-tốck-crin, xe đạp Xpút-nhích, xích, líp, nan hoa, moay-ơ xe đạp, giấy ảnh, nho khô, áo bay... Các cửa hàng lớn là GUM và SUM. Ngoài ra có Thế giới thiếu nhi (Giét-xki Mi-rờ). Phụ cấp đi đường ít ỏi, đâu như gần 3 rúp (trong khi đó, áo bay giá là 14 rúp). Chủ yếu anh em mình đã chuẩn bị đổi rúp Nga từ bên Hung: những hôm đi lao động, tạt vào hàng rào doanh trại lính Nga ngoắc tay và bập bẹ vài câu tiếng Nga (ghen-ghi = tiền), là các chú lính Nga xông ra đổi. Giá hời vì chỉ hơn nửa già giá bên ngoài.

Những ai có tinh thần Bôn-sê-vích thường có nguyện vọng ghé thăm Lăng Lê-nin. Cũng phải dùng mưu mẹo mới viếng được Lê-nin, vì xếp hàng rất dài. Nhác trông thấy bóng anh cảnh sát, vội chạy ra, giơ vé máy bay và hộ chiếu (đằng nào anh ta cũng chả xem đâu!) và trình bày hoàn cảnh "éo le": tôi là người nước ngoài, rất ngưỡng mộ lãnh tụ Vla-đi-mia I-lích Lê-nin của giai cấp vô sản toàn thế giới, nay sắp đến giờ ra sân bay (mặc dù vé của mình là vé tàu hỏa ?!), chúng tôi cần sự giúp đỡ. Anh cảnh sát thật thà như đếm chân tình dẫn mình lên chen hàng, thế là vào được.

Đến Bắc Kinh, lại được ăn chơi nhảy múa vài ngày chờ tàu liên vận về Việt Nam. Phòng đợi ở ga Bắc Kinh rất lịch sự, có bàn ghế và cốc chén bày sẵn. Trà để trong hộp, phích nước nóng ngay bên cạnh, uống đậm nhạt thế nào, hành khách tự pha lấy. Thường, tùy viên quân sự bố trí cho anh em ở luôn trong sứ quán, tiết kiệm ngoại tệ cho Nhà nước. Anh em cũng được phát công tác phí, lấy số ngày nhân với tiêu chuẩn đã được Bộ quốc phòng quy định, quanh quanh 3-5 nhân dân tệ. Hữu ái có lần bị bọn cảnh vệ sứ quán từ chối không cho vào sứ quán vì... trông cái mặt giống người Tàu quá. Đoàn 10 người ăn cơm ở sứ quán 3 lần (trên 20 bữa, cả trưa cả tối), nhưng thực đơn giống hệt nhau: cơm nóng, bắp cải luộc, tim luộc, nước chấm. Nước luộc bắp cải lẫn tim nên màu hơi đen đen, mùi vị chẳng giống ai. Những người ở đó nói "Chưa ăn thua gì. Bọn tớ xơi kiểu này liên tục 12 tháng liền tù tì. Tim ở đây rẻ lắm".

Bắc Kinh hồi đó đã bắt đầu có tàu điện ngầm (metro), nhưng là loại cổ lỗ sĩ, tức là đào đất lên như một cái hào khổng lồ, lắp đặt đường ray xong, tạo trần rồi mới lấp đất lại. Cho nên, tàu điện ngầm chỉ ở độ sâu 20-30 mét là cùng, không có hệ thống bán vé tự động, mà có "sơ vơ" (soát vé) miệng la hét inh ỏi chen lấn khắp toa thu tiền, y như xe buýt Hà Nội bây giờ. Phong cảnh ở Bắc Kinh đẹp, nhưng thành phố rộng quá (ở mức độ nào đó, còn bao la hơn Mát-xcơ-va, vì các thắng cảnh Di hoà viên, Cố cung ở cách trung tâm đến 40 km). Vả lại, không nhờ được ai dẫn đi, nên chưa có dịp thăm thú được mấy. Hai nơi được anh em ta "vãn cảnh" nhiều nhất là Cửa hàng Hữu nghị và Bách hóa Đại lầu. Loanh quan nữa thì ra Quảng trường Thiên An Môn. Có thể kể thêm một cửa hàng nhỏ xíu bán các gói chè sen màu xanh lá cây nhạt ở gần sứ quán. Đặc sản Trung Quốc là: bấm móng tay, dây đeo chìa khóa, kéo cắt tóc, phích nước, sâm, táo (mua ở châu Âu về đến Việt Nam thì táo hỏng mất), thuốc lá Đại tiền môn...

Hôm nào sứ quán đông quá, hết chỗ nghỉ, anh em lại được tùy viên nghiến răng chi tiền cho ra ở Khách sạn Bắc Kinh. Hai người một phòng, tít trên tầng 10 của tòa cao ốc, nhìn xung quanh thấy mê hồn, tỉnh cả người. Chủ nghĩa xã hội cũng chỉ đến thế là cùng! Thú vị nhất là trên bàn viết luôn để sẵn chục cái phong bì và tập giấy viết thư ướp nước hoa thơm lừng. Dù không viết thư viết từ, ta cứ tự nhiên nhét các thứ đó vào va-li, sáng mai dậy đã lại thấy cô phục vụ bổ sung đầy đủ với bộ mặt tươi như hoa, không nhăn nhó một tẹo nào. Lại lẳng lặng nhét tiếp vào va-li. ăn uống trong khách sạn thật ấn tượng. Sáng, 10 món. Trưa và tối, 20 món. Các món ăn đặt trên chiếc bàn xoay, ai muốn thưởng thức món nào thì xoay nhẹ cái bàn một cái, cho tới khi gặp món ăn ưa thích thì dừng bàn lại. Không nhớ hết tên các món, vì món nào cũng như món nào: trông màu đen đen, nâu nâu, ăn vào có vị hơi hăng hắc, nhưng cảm giác nói chung là tuyệt diệu. Đầu bếp giải thích, nấu các món này rất cầu kỳ, phải chuẩn bị thực phẩm, ngâm tẩm thuốc bắc trước 6 tiếng đồng hồ.

Tàu hỏa đi từ Mát-xcơ-va về Bắc Kinh có 2 đường: qua Mông Cổ (ga Cáp Nhĩ Tân), hoặc qua Đại Liên. Mông Cổ hoang vu, đúng là một sa mạc. Toa ăn trên tàu phục vụ món thịt ngựa hay thịt cừu tanh lòm, quân ta khó nuốt trôi. Đến biên giới Trung Quốc phải đổi tàu. Mấy anh em lếch thếch xách đồ vào phòng đợi. Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết. Có hôm, Liên Xô và Trung Quốc cãi nhau chửi nhau ra rả trên loa phóng thanh, anh em mình bị bỏ đói trong phòng chờ, phải "lệ quyên" mang bánh kẹo (định làm quà về thăm nhà) ra xơi, xót hết cả ruột. Lên được tàu Trung Quốc là mừng hú, cảm giác như sắp về nhà tới nơi rồi. Toa tàu làm đẹp hơn, sơn màu xanh lá cây thẫm (tàu Liên Xô sơn màu trắng bạc ngả sang xám), rộng hơn, ghế nằm êm hơn, phục vụ chu đáo hơn, có nước nóng để tắm thoải mái. Trong toa có cả quạt máy đặt trong cái lồng sắt chạy êm như ru và màn nhung xanh rêu che cửa sổ. Các cô gái Trung Quốc phục vụ toa đã qua vòng tuyển chọn, trông mát mắt hơn mấy đồng chí nam giới khô không khốc trên tàu Liên Xô. Có hôm, cả bọn ngồi mải mê chơi bài không chịu đi ăn cơm, cô phục vụ mời mọc mãi mỏi cả mồm, tất cả vẫn lờ tịt, giả bộ không biết tiếng. Cuối cùng, cô ta đành giở chiêu đặc biệt: "Em mời các anh đi ăn cơm để nhà bếp họ còn nghỉ. Các anh thôi đi, không đánh bài nữa!". Cả hội ớ ra, mắt tròn mắt dẹt. Thì ra, cô này từ bé đã ở Việt Nam, học hết cấp ba ở Hòn Gai (Quảng Ninh), sau mới theo bố mẹ về Trung Quốc. Trên đường đi, có lần tới Đại Đồng, tàu dừng lại 30 phút cho anh em leo lên Vạn Lý Trường Thành. Đến một ga, quân Việt Nam mình xếp hàng mua cái bấm móng tay, xô đổ cả tủ kính của người ta.

Tàu hỏa đi qua cầu Trường Giang 2 tầng, một bên là Vũ Hán, một bên là... Thành Đô (không biết nhớ có lộn không?). Trận Xích bích xưa kia diễn ra tại đây. Lần đầu tiên thấy một bến xe ô tô buýt chứa ngót nghét 1.000 xe. Rồi qua vùng Hoa Nam trù phú. Ai đó bảo, Trung Quốc họ cố nắn đường sắt liên vận qua các miền đất phì nhiêu giàu có, chịu thiệt khoảng cách dài hơn, để thu phục sự trầm trồ tán thưởng của người nước ngoài với Trung Hoa vĩ đại. Dân tình hồi đó mặc quần áo màu thâm: đen, tím, nâu. Không thấy ai mặc quần áo màu sáng. Xe đạp phổ biến là xe đạp Vĩnh Cửu hoặc Phượng Hoàng. 12 giờ trưa, thấy họ đưa nhau ra sân bóng rổ tập luyện hăng say lắm.

Về đến ga Bằng Tường có một dãy nhà tắm 30-40 buồng, buồng nào cũng vắt một chiếc khăn tắm có hoa to rực rỡ. Phục vụ chu đáo đến mức hễ ai bước ra khỏi buồng tắm, cô gái ngồi bên ngoài lại vào thu dọn chóng vánh, thu hồi khăn tắm cũ và vắt lên một chiếc khăn mới còn sực nức mùi thơm.

Qua ga Đồng Đăng, thấy niềm vui dâng lên tràn ngập. Đến cầu Long Biên thì cảm thấy: tàu hỏa ơi, sao mày chạy chậm thế? Khi tàu đi ngang qua các chỗ chắn tàu, anh em xô nhau nhìn qua cửa sổ, hy vọng bắt gặp một khuôn mặt thân quen. Tại ga Hàng Cỏ, người nhà đã đứng đợi sẵn tự bao giờ.

ước vọng được ngồi xem tại Népstadion đã được thực hiện 
Những ngày học chính trị, một niềm vui nữa là được nhận phụ cấp tiền Việt. Khi đang học ở Hung, nếu không phạm khuyết điểm gì thì mỗi năm được lên một cấp. Điều này, Tùy viên quân sự căn cứ vào báo cáo của các anh Đoàn trưởng, Bí thư chi bộ. Nhiều anh lên tằng tằng: binh nhì (khi mới nhập ngũ), binh nhất (khi bước chân sang Hung), hạ sĩ, trung sĩ, thượng sĩ. Sau đó là thượng sĩ... kịch. Không phải là diễn kịch, àm là "kịch đường tàu", "kịch trần". Hãn hữu, có anh Quang già được xét phong chuẩn úy, và một số bạn học thêm bằng thạc sĩ (kis doctor = đốc tơ bé = Master) thì phụ cấp cao hơn. Phụ cấp ít ỏi, nhưng cộng dồn vài ba năm cũng ra tấm ra miếng, đủ sức chiêu đãi gia đình họ hàng thân thuộc (hồi ấy chưa ai có bạn gái). Anh chàng thiếu úy tài vụ phát phụ cấp trông không nhanh nhẹn lắm, mắt ti hí, rất khôn. Bao giờ anh ta cũng nói câu chốt hậu sau khi phát đủ tiền cho anh em: "Sao, có anh em nào thắc mắc gì không?". Có lần, anh em rụt rè thắc mắc: "Tôi với anh X. cùng nhập ngũ một ngày, cùng đi sang Hung, cùng lên quân hàm một đợt, nay lại cùng về phép, sao tôi lại lĩnh ít hơn anh ấy?". Anh tài vụ lập tức hỏi: "Đâu, đâu?" và lấy chiếc bút chì ra tính tính toán toán, giở hết sổ này sổ nọ, cuối cùng phán lạnh tanh: "Thôi chết, tôi tính nhầm cho đồng chí X. rồi. Đề nghị đồng chí đưa lại cho tôi số tiền là...". Quân ta chân ướt chân ráo vừa về, lại không nắm vững chế độ chính sách trong quân đội (hơi bí vì không có máy vi tính như bây giờ), đành chịu để cho anh ta bắt nạt, ăn chặn, sau đó ra ngoài cổng Trạm 66 hục hặc với nhau: "Mày chán bỏ mẹ, thắc mắc làm cái quái gì? Tự nhiên hai thằng mất mẹ nó chục bát phở".


Bảo rằng học chính trị qua loa là không đúng. Học căng ra phết, vì là học dồn dập, để sau đó một số chiến sĩ còn kịp về quê. Chủ yếu học "Tình hình nước nhà hiện nay", "Một số âm mưu thâm độc của đế quốc xâm lược", "Hai nhiệm vụ chiến lược của quân đội cách mạng: bảo vệ và xây dựng Tổ quốc XHCN", "Đường lối đối ngoại của Đảng ta".v.v... Học xong, phải viết bài thu hoạch nộp cho trợ lý chính trị.


PhanHong

No comments:

Post a Comment